HOÀI BÍCH

CHƯƠNG 6: KHÓA LƯƠNG VIÊN 6

Yến Khuynh cụp mắt, cố chấp bảo: “... Cậu cứ tùy ý nói.”


--------------

“Ngày hai mươi nhăm tháng Ba, Từ Thanh Viên đã đến gặp ta để tự thú, khai rằng nàng say rượu và bất tỉnh, trong cơn mơ màng, nghi mình đã giết một nữ lang tên Vệ Miểu ở Lương Viên. Tuy nhiên, nhiều hành động của Từ nương tử đã chứng minh một điều khác, nàng muốn ta tin nàng không phải hung thủ, mặc dù Vệ Miểu đã chết.”


Giữa màn đêm tối, giờ Tý (*) đã điểm, Yến Khuynh vẫn chưa ngủ, chàng đến thư phòng của Đại lý tự để kiểm tra hồ sơ.


(*) Giờ Tý: từ 23:00 tối ngày hôm trước tới 01:00 rạng sáng ngày hôm sau.


Trong đêm khuya, nha môn Đại lý tự yên tĩnh và trang nghiêm, Phong Nhược cầm đèn lồng theo sau Yến Khuynh, tìm giữa các giá sách nằm hai bên.


Phong Nhược hiểu biết không nhiều, dưới ánh nến mờ ảo, chàng ta chỉ thấy mỗi vạt áo xanh biển của Yến Khuynh cọ qua từng quyển trục. Yến Khuynh thản nhiên tháo ra những trục giấy mình muốn và đặt các quyển không phù hợp về kệ.


“Phụ thân của Từ Thanh Viên, Từ Cố, là Đại Nho sĩ nổi tiếng của tiền triều Nam Quốc, ông từng nhậm chức quan lớn. Sau khi đương triều thành lập, Từ Cố dẫn con gái thoái ẩn về Vân Châu, tập trung nuôi dạy nàng. Song đương triều đang gặp nguy nan, triều đình đang rất cần những văn nhân như vậy để phụng sự quốc gia, nên đã phái người theo dõi Từ Cố và con gái. Vào mùa đông năm ngoái, Từ Cố biến mất, Đại lý tự nghi ngờ ông đã phản quốc, nhưng không có bằng chứng. Đúng lúc này, Lương gia ở Trường An, lấy tư cách đệ tử của Từ Cố, đã ra tay giúp đỡ Từ Thanh Viên. Đại lý tự thuận nước đẩy thuyền, thừa dịp này để Từ Thanh Viên tiến vào Trường An. Đây vừa là giám sát vừa là cơ hội tìm ra tung tích của Từ Cố.”


Giữa thư phòng, chỉ có mỗi giọng nói trầm tĩnh và ôn hòa của Yến Khuynh.


Yến Khuynh bị sặc do hít phải lớp bụi trên giá sách, chàng ho khan hai tiếng. Phong Nhược vội bước tới kiểm tra, nhưng Yến Khuynh xua tay tránh đi.


Yến Khuynh không muốn tiếp xúc với người khác, nhẹ giọng nói: “Cá nhân ta phải chịu trách nhiệm về vụ án của Từ Đại Nho sĩ. Đáng nhẽ ta phải ghé thăm Từ nương tử ở Lương Viên, tìm hiểu tung tích của phụ thân nàng ấy. Nhưng vào đầu năm, công vụ chồng chất, cũng sợ rằng Từ nương tử sẽ không chịu nói sự thật vì e ngại Đại lý tự. Thành thử ta đã đắn đo rất nhiều, nhưng sau cùng vẫn chẳng thể gặp lại Từ nương tử.”


Phong Nhược không phục: “Lang quân nhân hậu, không muốn làm phiền một nữ cô nhi khi chưa nắm được bằng chứng trong tay. Tung tích của Từ Cố lại chẳng rõ ràng. Lang quân lo rằng, có người sẽ lợi dụng điều này để ức hiếp Từ nương tử, bởi vậy lang quân bèn để Từ nương tử sống ở Lương Viên.”


Yến Khuynh lắc đầu: “Ta chỉ không muốn gây thêm rắc rối thôi. Ta nghĩ Lương Viên là một nơi biệt lập ở Trường An, ít giao du với bên ngoài, thu mình trong một góc. Ở một nơi yên tĩnh như thế, có lẽ sẽ giúp trông nom Từ nương tử trong thời gian trước khi xác định tội danh của Từ Cố.”


“Nàng mới mười tám tuổi, đã phải lưu lạc đến Trường An, cũng do Đại lý tự chẳng thể chăm sóc nàng… Về công, ta không được che chở nàng, về tư, ta chỉ đành thuận theo mong muốn của nàng. Nào ngờ Lương gia xảy ra án mạng, còn lại liên đới tới nàng.”


Phong Nhược nói: “Lang quân đối đãi với người khác quá tốt rồi, nên thân thể của lang quân mới ra nông nỗi này, thế mà giờ còn…”


Tâm trạng chàng ta chán nản, ngọn nến trong tay chợt chập chờn, khiến chàng ta giật mình rồi im bặt.


Yến Khuynh bước tới giá sách, lấy xuống từng tập tài liệu liên quan đến Lương gia. Chàng vừa lật xem vừa ngẫm nghĩ:


“Trong các danh môn thế gia ở thành Trường An, Lương gia là một trường hợp ngoại lệ. Vào giai đoạn chuyển giao giữa đương triều và tiền triều, chiến tranh loạn lạc đã ảnh hưởng tới nhiều thế gia. Hầu hết bọn họ đều thuận theo thời thế, song Lương gia chỉ đóng cửa và trốn tránh. Hiện giờ đương triều đã thành lập được năm năm, chỉ có một người ở Lương gia giữ chức quan Tế tửu (*) nhẹ nhàng ở Quốc tử giám, không hề có thực quyền, còn những người khác vẫn bế quan không chịu ra.”


(*) Quốc tử giám Tế tửu: Chức Tế tửu ở Trung Quốc xuất hiện từ thời nhà Hán. Theo sách Từ nguyên của Trung Quốc, Tế tửu vốn là danh hiệu để chỉ người lớn tuổi nhất, có địa vị cao nhất trong buổi tiệc được chọn làm người dâng rượu tế đất trước khi uống.


“Thế hệ này của Lương gia chỉ có một vị lang quân trẻ tuổi tên Lương Khâu, nhưng dường như y chẳng muốn tham gia vào con đường làm quan. Y tự nhận là học trò của Từ Đại Nho sĩ, dẫn Từ Thanh Viên vào Trường An, để nàng sống với các cô nhi khác mà họ đã cưu mang ở Lương Viên, hưởng thụ niềm vui đoàn viên cùng lão phu nhân Lương gia.”


Yến Khuynh đọc từng tập hồ sơ rồi đặt lên lại giá sách.


Chàng khẽ bảo: “Hồ sơ về Lương gia vẫn còn thiếu. Phong Nhược, ngày mai cậu hãy đến Hộ bộ một chuyến, xem có thể lấy được thông tin hộ tịch của những nữ lang mà Lương Viên đã thu nhận không.”


Phong Nhược đáp: “Thuộc hạ e rằng sẽ khó khăn. Toàn bộ là nữ cô nhi, trùng vào lúc tiền triều và đương triều đang chuyển giao, thành ra các loại văn thư đều lộn xộn, Hộ bộ cũng đang sứt đầu mẻ trán.”


Chàng ta quan sát sắc mặt Yến Khuynh, tỏ ra bí hiểm nói: “Hôm nay thuộc hạ đã hàn huyên với nàng trù sư nhỏ ở Lương Viên. Nàng ta kể, Lương gia mời các sư thái tổ chức lễ cúng vì Lương Viên không sạch sẽ. Những ngày Lương Viên diễn ra pháp sự, cũng chính là quãng thời gian Vệ Miểu chết”


“Nhưng vị trù sư nhỏ kia cứ ấp úng, e rằng lời nói của nàng ta thật giả bất phân. Lang quân này, phải chăng người nghi ngờ ở Lương Viên có rất nhiều nữ lang cũng đã mất mạng, giống như Vệ nương tử lần này à? Thuộc hạ nghĩ buổi pháp sự ở Lương gia có vấn đề thật, ắt hẳn họ đang che giấu chuyện mờ ám gì đó.”


Lời của Phong Nhược quanh quẩn bên tai chàng, song chàng chỉ thấy rất mệt mỏi. Chàng phải tập trung cao độ mới có thể nghe được những gì Phong Nhược đang nói.


Bên tai ong ong hồi lâu, Yến Khuynh đã hiểu dụng ý của Phong Nhược, chàng nhắm mắt, nhớ tới cuộc trò chuyện giữa Từ Thanh Viên và Lương lang quân vào ban sáng.


Chàng vứt từng quyển hồ sơ ra phía sau cho Phong Nhược, chàng ta nhanh tay nhanh chân đón lấy, rồi nghe Yến Khuynh giới thiệu sơ lược: “Đây là những lần hiếm hoi Lương gia đã báo án từ Long Thành nguyên niên đến năm thứ năm. Lần thứ nhất, một biểu tiểu thư tên Diệp Thi bỏ chạy theo tình lang rồi mất tích, họ nhờ Đại lý tự tìm người, hồ sơ tường thuật lại vụ án về vị nữ lang này rõ ràng nhất. Tiếp theo sau, thị nữ đột ngột qua đời, rồi thi thoảng có một nữ tử nào đó chết đuối trong hồ... Kể từ đầu năm Long Thành thứ ba cho tới nay, Lương gia chưa từng báo án thêm lần nào nữa.”


“Bởi vì hộ tịch không đầy đủ, người ngoài Lương Viên ít biết được tung tích của những vị nữ lang mà Lương gia đã thu nhận.”


Phong Nhược nhanh chóng lật xem, quả nhiên đã thấy vụ án vị biểu tiểu thư mất tích ngay đầu, bên Lương gia đã thuật lại đầy đủ hết ba trang giấy, chủ yếu về việc lão phu nhân yêu thương nữ lang này ra sao, nhưng nữ lang này lại bị người ta lừa đi… Qua những bản án tiếp theo, bên trong chỉ ghi chưa đầy nửa trang, chẳng có diễn biến kết cục.


Đương lúc Phong Nhược xem hồ sơ, Yến Khuynh hỏi: “Vệ nương tử đã chết ấy, Vệ Miểu, là người thế nào?”


Phong Nhược thản nhiên thưa: “Thuộc hạ nghe bảo nàng rất dè dặt, chưa bao giờ nảy sinh tranh chấp với ai. Song Lương gia đang quản thúc người thị nữ hầu hạ Vệ nương tử, thuộc hạ cũng không thể tìm thấy thị nữ ấy. Thuộc hạ còn được kể rằng, Vệ nương tử nhút nhát lắm, thậm chí còn bị dọa khóc khi chứng kiến lễ cúng bài…”


Chàng ta chợt dừng lời, nhìn Yến Khuynh: “Hình như có vẻ giống lang quân nhỉ?”


Ánh trăng sáng xuyên qua khung cửa sổ, chiếu xuống hàng mi dày của chàng lang quân. Bên dưới hàng mi rậm rạp, để lộ ra chiếc cằm hơi trắng của Yến Khuynh.


Chàng thì thầm: “Chớ công kích (*) người khác.”


(*) Raw để “trù ẻo”, nhưng mình xin phép được dịch thoát nghĩa ở đây, ý Yến Khuynh nói Phong Nhược đừng nói xấu khuyết điểm người khác. Mình cũng sẵn lòng ghi nhận góp ý khác ạ.


Phong Nhược thầm nghĩ, tính cách nhút nhát cũng không phải vấn đề to tát, cớ sao là “công kích” được chứ?


Giữa đêm chỉ còn mỗi tiếng lật sách, qua một chốc, Yến Khuynh nói: “Lương gia sẽ đến một ngôi chùa để bái Phật vào hai ngày nữa. Cuối mùa xuân, Vệ Miểu chết tại Lương Viên, không thể giữ thi hài quá lâu, chắc hẳn phải đem đi tiêu hủy. Ta cải trang thành nông dân trồng hoa đi lang thang khắp Lương Viên, nhưng không thấy đất đai bị đào bới, cũng chẳng phát hiện xác chết nào nổi trên hồ… Chỉ sợ, họ sẽ nhân dịp cúng bái Phật giáo này để vào chùa, rồi tìm cách xử lý thi thể Vệ Miểu.”


“Ta cũng cần viện cớ để tới ngôi chùa kia.”


Chàng cứ dặn dò Phong Nhược như thế, còn Phong Nhược liên tục gật đầu.


Phong Nhược cầm mấy quyển trục này, vẫn thấy khó hiểu, bèn thuyết phục Yến Khuynh hãy trở về nghỉ ngơi cùng mình.


Khi đóng cửa lại, Phong Nhược chợt nhớ ra một chuyện, nghiêng đầu thắc mắc hỏi Yến Khuynh: “Thuộc hạ thấy lời Từ nương tử nói khác với nữ trù sư, nên mới đoán nàng đang có việc che giấu chúng ta. Còn điều gì đã khiến lang quân nghi ngờ nàng khai không đúng sự thật vậy?”


Yến Khuynh ngồi ở hiên nhà dưới vầng trăng sáng, trông yên tĩnh bình an vô cùng. Phong Nhược hỏi hồi lâu, chàng mới chậm rãi phản ứng, sắc mặt vì chuyện này mà trở nên đỏ ửng.


Chàng ngập ngừng nhìn thị vệ, kể: “Khi chạm mặt nhau ở lối nhỏ trong vườn, ta phủ một chiếc khăn vuông lên cổ tay nàng. Trước đó, nàng từng bảo tửu lượng mình thấp, hoang mang chẳng biết mình có giết người không. Ta ngâm cả một vò rượu lên khăn, rồi dùng hương liệu át đi mùi rượu.”


“Độ nồng của loại rượu này, tuy không bằng việc tự mình uống cạn, nhưng nguyên một bình vẫn rất nặng. Tuy nhiên, sau khi ta phủ khăn lên cổ tay Từ nương tử…”


Chàng nhớ đến hành động rất tỉnh táo chẳng thể nhầm lẫn được của nàng sau đó, trong đôi mắt đẹp tựa như làn nước mùa thu ấy, không hề xuất hiện chút say xỉn nào.


Yến Khuynh phân tích: “Từ Thanh Viên đã nói dối, không phải nàng không giỏi uống rượu, chưa chắc nàng chẳng hề hay biết chuyện gì đã xảy ra đêm ấy, có thể nàng đã nhìn thấy gì đấy nhưng không tiện nói ra, ắt hẳn nàng muốn bảo vệ điều đó, cố ý dẫn ta đến điều tra. Thậm chí cũng không loại trừ khả năng, nàng đã lừa dối chính thị nữ của mình, khiến thị nữ tin rằng nàng thật sự bị tình nghi tội giết người. Mặc dù ta chẳng biết cớ sao nàng lại nói mình là hung thủ, song…”


Chàng cụp mắt, bình tĩnh nhẹ nhàng kết luận: “Nàng đã bài trí yến tiệc rồi, ta không tham gia, há chẳng phải sẽ phụ lòng giai nhân sao?”


Phong Nhược sững sờ, run rẩy ôm chặt mấy quyển hồ sơ trong lòng.


--------------

Vào tháng Tư, trời mưa to.


Chẳng còn một ai đề cập đến vụ án Vệ Miểu mất tích, Từ Thanh Viên, những nữ lang khác, Lương Khâu và lão phu nhân cùng lên Tích Thiện tự ở phường Nghĩa Ninh để cúng bái lễ Phật.


Tích Thiện tự là một am ni cô, Lương lão phu nhân rất tín nhiệm vị sư trụ trì trong chùa. Ngày Vệ Miểu chết, các sư thái này vừa hoàn thành nghi lễ và rời khỏi Lương Viên. Trước khi đi, sư thái đã mời Lương lão phu nhân đến tham dự một buổi đại sự ở chùa trong hai ngày tới. 


Là ngày lễ Phật Đản.


Lương lão phu nhân đồng ý ngay.


Đoàn người Lương gia ngồi xe ngựa tiến về phường Nghĩa Ninh, buổi chiều tà, trời mưa như trút nước, màn sương bao trùm lên tứ phía.


Sương mù lãng đãng, cơn mưa rả rích, núi non mờ ảo. Từ Thanh Viên vén màn xe ngựa, ngóng nhìn về phía xa, nàng thấy một ngôi chùa đang ẩn mình trong rừng cây um tùm tươi tốt của đồi núi, cùng một dãy mái nhà tối tăm và kỳ dị.


Sấm sét xé toạc bầu trời, hằn một vệt trắng tựa tuyết.


Từ Thanh Viên run rẩy.


Lão tổ mẫu ngồi chung xe vội ôm nàng vào lòng, dỗ dành nàng như một cô nương nhỏ: “Lộ Châu nhi đừng sợ, chúng ta nhất định sẽ kịp tới nơi, dùng kịp cơm chay tối nay. Tổ mẫu và các sư thái ở Tích Thiện tự quen biết nhau đã lâu. Cháu cũng từng gặp họ trước đây rồi, ai cũng là thiện nữ đã quy y cửa Phật.”


Từ Thanh Viên nhỏ giọng nói: “Tổ mẫu, cháu không sợ…”


Nàng vừa định hạ màn xe thì bất ngờ bắt gặp một tốp kỵ binh khoác áo tơi đen, họ đang vận chuyển thứ gì đó trên đường núi giữa làn mưa mịt mù sương khói.


Từ Thanh Viên nghiêng người về phía trước, ghé vào cửa sổ xe nhìn ra ngoài. Từng giọt mưa nhỏ xuống từ trên người của các binh lính đen nghịt này, đoàn xe ngựa của Lương gia dừng lại, sang thương lượng với toán người nọ.


Nhóm kỵ binh xuống ngựa.


Một chốc sau, vị quản gia của Lương gia bước tới xe ngựa, giải thích với lão phu nhân và các nữ lang: “Thưa lão phu nhân, họ thuộc Đại lý tự đang vận chuyển quan tài đến Tích Thiện tự, quan tài sẽ tạm thời đặt ở Tích Thiện tự. Họ không ngờ lại chạm mặt chúng ta, bên đó muốn thỉnh an lão phu nhân.”


Đại lý tự chưởng quản hình ngục, thường xuyên đụng phải các vụ án người vô gia cư chết chưa được giải quyết. Thông thường, họ sẽ gửi tạm những thi thể như vậy trong các ngôi miếu hoặc chùa, chờ sau khi hồ sơ hoàn tất rồi đem đi chôn cất.


Đại lý tự lên núi chuyến này, có lẽ bởi vì công vụ rồi.


Khi Từ Thanh Viên nghe thấy “Đại lý tự”, tim như thắt lại, nàng dỏng tai lên nghe.


Nàng ngước đôi mắt xinh đẹp, rướn cổ trông về hướng ấy, muốn xem thử Yến Khuynh có trong đoàn người mặc áo tơi đen không. Đến tận hôm nay, chẳng biết Yến lang quân đã hiểu được nỗi khổ tâm của nàng chưa?


Lương lão phu nhân khá bài xích việc gặp phải thi thể trên đường, nghe nói bên kia muốn tới thỉnh an, bà thẳng thừng từ chối: “Không cần.”


Từ Thanh Viên lập tức nôn nóng: “Tổ mẫu…”


Tất cả nữ lang trong xe đều lộ vẻ thắc mắc, Lương Khâu đang ôm chậu cây cũng nghi ngờ nhìn nàng.


Từ Thanh Viên đỏ mặt, lộ rõ nét ngượng ngùng, nhưng vẫn do dự cất tiếng: “Gặp nhau là duyên phận, ít nhất cũng phải cho họ một chén nước…”


--------------

Cùng lúc đó, Yến Khuynh xuống ngựa, nhìn đoàn xe ngựa của Lương gia đang dừng lại.


Chiếc mũ tre rộng vành đã che kín mắt mũi chàng, chỉ để lộ ra một phần cằm. Chàng thấy rõ nhóm người đang hàn huyên phía bên kia xe ngựa, chàng im lặng một lát rồi ra lệnh cho Phong Nhược:


“Cậu qua đó chào hỏi họ, tiện thể nói vài lời với Từ nương tử đi.”


Phong Nhược đang rỗi việc, tức khắc sửng sốt: “Hả? Thuộc hạ? Thuộc hạ phải nói gì đây? Lang quân này, liều thuốc an thần mà người ta đang mong chờ, e là không phải do thuộc hạ đưa ấy chứ?”


Yến Khuynh cụp mắt, cố chấp bảo: “… Cậu cứ tùy ý nói.”


--------------

Bạn có muốn comment đánh giá truyện, hãy đăng nhập nhé! imglogin