HOÀI BÍCH

CHƯƠNG 16: KHÓA LƯƠNG VIÊN 16

Ba thước khuê các, một mộng hoa tư. (*)


(*) Phần chú thích về tám từ trên đặt ở cuối chương, để các bạn được trải nghiệm hết chương này. 

--------------

Từ Thanh Viên vừa lên tiếng, lão phu nhân vốn đã định rời khỏi chỗ lại ngồi xuống.

Ở bên cạnh lão phu nhân, Lương Khâu nhíu mày lắc đầu với Từ Thanh Viên, ra hiệu bảo nàng không nên tiếp tục.

Lão phu nhân gõ gậy chống trong tay xuống hai lần: “Một nữ tử bỏ trốn theo tình lang, không danh không phận, chẳng thông qua lễ nghi cưới hỏi (*) gì cả. Lộ Châu nhi, cháu nói ta nghe thử, vở hí này có điểm gì hay?”

(*) Vô môi cẩu hợp (无媒苟合): thành ngữ chỉ chuyện kết hôn nhưng không có minh môi chính thú (cưới hỏi đàng hoàng).

Vào lúc này, khả năng đọc nhanh lẫn trí nhớ siêu phàm của Từ Thanh Viên đã phát huy tác dụng. Ban nãy, khi xem vở kịch, nàng chẳng hề đặt tâm trí vào vở kịch, thế nên không biết hí kịch trên đài đang diễn nội dung gì. Hiện giờ nàng đã hiểu:

Vở hí “Thuyết lương duyên” này xoay quanh một tiểu thư khuê các nọ, trong buổi yến tiệc mừng thọ ở nhà mình, nàng đã kết giao với một con hát nam đến hát mừng. Vì tính chất nghề hát hí khúc, con hát đã hiểu biết nhiều chuyện phức tạp trên đời, khiến vị tiểu thư kia rất thích thú. Đôi bên vụng trộm gặp gỡ trong khoảng thời gian dài, về sau tiểu thư ấy bị người nhà hứa gả cho con trai của một vị quan lớn.

Vào buổi tối trước ngày tiểu thư lên xe hoa, cả hai đã bỏ trốn. Bầu trời đêm ngập trong làn tuyết mịt mù, con hát bỏ mạng dưới trận đòn gậy của nhóm binh phủ truy bắt, tiểu thư cũng tự vẫn theo chàng ta. Mối tình của hai người cảm động thấu cõi U Minh, vong hồn của họ hóa thành người, cuối cùng đôi bên cũng được kết duyên phu thê.

Trích đoạn được Tích Thiện tự diễn hôm nay là hồi “Đêm xuân” trong “Thuyết lương duyên”, kể về đêm trước lễ đính hôn của nàng tiểu thư, cả hai không hẹn mà gặp ở viện, hoa cỏ vây quanh bốn bề, vầng trăng khuất bóng, ánh dương ló dạng, đôi bên tâm tình.

Từ Thanh Viên đọc kịch bản, nàng khá ngạc nhiên. 

Hầu hết các màn kịch nàng đã xem trước đây đều nông cạn, chỉ số ít tác phẩm mới thật sự là tinh hoa. Song, quyển lời kịch được trao tận tay nàng này, sở hữu ngôn từ trang nhã, văn phong đẹp đẽ xen lẫn tinh tế, bất chấp nội dung thế nào. Nàng có thể mạnh dạn suy đoán, người chấp bút nên vở kịch đây, dẫu không phải bậc vĩ nhân, nhưng vẫn có tài hoa và học thức hơn hẳn những người chỉ học qua vài cuốn sách ngoài kia.

Sau khi Từ Thanh Viên phán đoán sơ bộ về nội dung vở kịch, nàng khẽ ngước nhìn, trông thấy sắc mặt của mọi người.

Lão phu nhân lạnh lùng, khóe mắt đầy nếp nhăn; Lương Khâu lo lắng nhìn nàng; Phùng Diệc Châu giống chúng nữ lang Lương Viên khác, hoặc đang hả hê, hoặc đầy khó hiểu.

Quảng Ninh Công chúa đang đưa lưng về phía ánh nắng, không thể nhìn rõ gương mặt và thái độ của nàng ta. Các nữ ni ở Tích Thiện tự ngơ ngác, hai vị sư thái có biểu hiện khác nhau, Lâm Tư Niên vốn đang thấy nhạt nhẽo, nhưng khi chứng kiến nàng đứng dậy, hắn lại ngồi xuống, chỉ còn thiếu điều cắn hạt dưa.

Về phần Vi Phù, Huyện lệnh huyện Trường An, người mà Từ Thanh Viên muốn ngăn cản thật sự, y và các quan binh khác đã đứng lên rời đi, bấy giờ quay lại nhìn nàng.

Vi Phù ôn hòa tao nhã, y cũng giống Lâm Tư Niên, đều khó hiểu trước mục đích của Từ Thanh Viên. Khác nhau ở điểm, đôi mắt Lâm Tư Niên chỉ tràn đầy ác ý xen lẫn bỡn cợt, trong khi nét cười lịch sự trong ánh nhìn của Vi Phù vẫn chưa hề phai nhạt, phần lớn là vẻ hiếu kỳ và thiện ý.

Lương lão phu nhân thấy Từ Thanh Viên không lên tiếng, bèn gõ gõ gậy, đưa ra kiến giải ​​của mình: “Chẳng giấu giếm gì Công chúa Điện hạ, lão nương chưa từng thích những vở kịch thế này. Lang quân nữ lang muốn nên duyên thông qua mai mối, đầu tiên hai bên họ phải gặp mặt nhau, tiếp theo đến bước hợp bát tự rồi nạp lễ, đây mới thật sự là lễ cưới hỏi có lớp lang, đầy đủ như vậy thì mới được người khác tôn trọng.”

“Một nữ tử chưa xuất giá, luôn miệng nói về chuyện yêu đương ái tình, suốt ngày tơ tưởng tới mấy thư sinh, con hát, Hoàng tử và công tử quyền quý, ở đấy nằm mơ rồi tự huyễn hoặc mơ thành thật. Loại nữ tử ấy không biết ý tứ, là mầm họa cho chúng sinh. Một vở hí như vậy, sao có thể dám ngang nhiên công diễn chứ!”

“Xem qua dạng kịch thế này, đám nữ tử ai nấy cũng mong được yêu đương vụng trộm, cũng muốn có người bắt cóc mình, không giúp phu quân dạy con cái, không chịu phu xướng phụ tùy (*), mà chỉ chăm chăm học cách làm ô uế thanh danh. Đám người xướng loại hí này, cả mấy kẻ viết nên dạng kịch đây, đều phải bị đem ra chém hết!”

(*) Phu xướng phụ tùy: chồng vợ hòa thuận kính trọng nhau, cũng có thể hiểu là vợ phải luôn phục tùng chồng.

Sắc mặt Lương Khâu ngày càng trở nên kỳ quái.

Hai vị sư thái của Tích Thiện tự, Đỗ sư thái và Giang sư thái đều nhìn sang. Ánh mắt Đỗ sư thái thoáng qua vẻ giễu cợt, còn Giang sư thái lại tràn đầy xấu hổ và bất an.

Quảng Ninh Công chúa nhíu mày, nàng ta lờ mờ cảm thấy thái độ của lão phu nhân khá cực đoan, chỉ là một vở kịch thôi, hà tất gì phải phân tích sâu xa chứ? Dù là Nam Quốc vào trước kia, hay Đại Ngụy ở hiện tại, phong tục dân gian đều rất cởi mở, các nữ tử không cần phải chọn cách bỏ nhà theo tình gì đó… Song, việc chỉ trích vở hí dữ dội thế này, cũng chẳng cần thiết mấy.

Huống chi, lão phu nhân làm vậy, chẳng khác nào đang ngầm phê phán Quảng Ninh Công chúa. Hôm nay, Quảng Ninh Công chúa giá đáo đến Tích Thiện tự, vốn để gặp gỡ phu quân của mình.

Dẫu nàng ta không thích người nọ.

Phỏng chừng người nọ cũng chẳng để nàng ta vào mắt... Xuyên suốt quá trình, người nọ chỉ chú ý đến một điều duy nhất, chính là Từ Thanh Viên đã đứng ra khen ngợi vở hí này. 

Khóe mắt Từ Thanh Viên thấy Vi Phù mỉm cười, y lại định rời đi rồi.

Nàng kiên định lên tiếng: “Cháu nghĩ vở kịch này cực kỳ hay, hiếm vở nào sánh bằng. Quan điểm ​​​​của tổ mẫu, cháu không đồng tình.”

Thế nhưng, ở bên phía ánh dương rực rỡ kia, Vi Phù cũng không vì thế mà dừng chân. Y và toán tùy tùng bước trên dãy hành lang gỗ màu xanh, chuẩn bị băng qua Nguyệt môn (*) để tiến sâu vào trong chùa.

(*) Nguyệt môn: một loại hình cửa đi lại đặc trưng của kiến trúc Trung Hoa, giống một bức tường trong khu vườn hoặc trong nhà mà có một lối đi hình tròn (giống như hình Mặt Trăng tròn). Hình minh họa: 

Từ Thanh Viên ngẩng đầu, giọng nói trầm tĩnh: “Nhìn mầm biết cây, nhìn sự tình rõ sự thật (*) . Vở kịch hí trốn chạy vì tình này, nếu chỉ đánh giá dựa trên đạo đức và lễ nghĩa thì tất nhiên sẽ rất tệ. Song, ở tiền triều Nam Quốc, trên triều đình vẫn xuất hiện các vị nữ Tướng quân, nữ Tướng quốc, họ là tấm gương sáng về địa vị của nữ tử. Vào giai đoạn đương triều mới thành lập, cũng có nàng Công chúa đã phò tá Vua cha xông pha trận mạc, nghĩa dũng vô song. Còn hiện giờ, chẳng qua chỉ là một vở kịch về chuyện bỏ trốn, cớ sao lại trở thành việc không biết giữ chừng mực, di họa cho chúng sinh rồi? Thậm chí vở kịch còn không gánh vác nổi danh tiếng lớn đến thế đâu.”

(*) Nhìn mầm biết cây (见微知著): nhìn phần mơ hồ mà thấy được ý sáng tỏ. 

(*) Nhìn sự tình rõ sự thật (Kiến tình tư chân - 见情思真): theo mình hiểu là “Nhìn vào một tình cảnh nào đó mà nắm được cả sự thật câu chuyện đằng sau.”

Nhân vật chính “Công chúa phò tá Vua cha” - Quảng Ninh Công chúa đang ngồi ở đây, mặt nàng ta không biểu lộ cảm xúc.

Nhưng Từ Thanh Viên đã không nhận ra.

Không tin được nàng dám phản bác, Lương lão phu nhân thật sự tức giận: “Bỏ nhà theo trai là sai! Từ xưa đến nay, chuyện này luôn trái với phép tắc và luân thường! Cháu đang nghĩ gì khi biện giải cho loại kịch này hả?”

Vi Phù đứng ở Nguyệt môn, ngoảnh đầu với vẻ hứng thú. Tùy tùng cúi đầu thưa chuyện với y, y khoát tay, ý bảo hẵng nói sau. Nếu những lời tiếp theo của Từ Thanh Viên không khiến y vừa lòng, y vẫn sẽ rời đi.

Thuyền đã đến đầu cầu, Từ Thanh Viên chẳng thể lùi bước được nữa. (*)

(*) Thuyền đã đến đầu cầu: câu đầy đủ “Thuyền đã đến đầu cầu ắt sẽ thẳng”, sẽ hiểu theo nghĩa “mọi chuyện sẽ có cách”, nhưng tác giả đã cắt vế sau và thêm phần “không thể lùi bước”, tạo cảm giác miễn cưỡng chưa có lối ra.

Trong lòng Từ Thanh Viên trở nên vững vàng, rồi cũng theo đó mà bình tĩnh hơn.

Nhìn Lương lão phu nhân đang muôn phần kích động, nàng cất giọng nói rành mạch: “Bỏ trốn là sai, tuy nhiên, tất thảy ân tình trong nhân sinh đều sẽ chuyển hoá thành những câu chuyện, nay chúng được công diễn trên đài, không thể thuần túy lấy nhân luân thế đạo để đánh giá hết toàn bộ. Nếu dùng luân lý lẫn đạo đức để cân đong mọi chuyện ở đời là chân tình hay giả ý, vậy phải chăng nhân gian này, do lễ nghĩa kỷ cương quá nghiêm khắc mà sinh ra vô số con rối, đã trở nên quá rập khuôn và vô vị rồi?”

“Cũng như vị nữ lang và con hát tình đầu ý hợp trong vở hí này đây, chúng ta không nên chỉ thấy mỗi ‘hành vi thiếu đứng đắn’ kia, mà phải thấu hiểu nguyên do vì lẽ gì mà nàng ấy lựa chọn thế. Như lời của tổ mẫu, việc bỏ nhà theo tình lang nọ thoạt trông rất ích kỷ. Song, trên cương vị là nhân vật chính trong vở kịch, nàng tiểu thư này đã bị gia đình giam cầm tại một mảnh trời riêng từ tấm bé, không được ra cửa, không được gặp người đời. Khó khăn lắm trong nhà mới xuất hiện một nam tử xa lạ, nàng phải lòng chàng, nhưng lại bị người nhà ngăn cấm. Điều nàng hoài cầu mong, chẳng nhẽ là ái tình ư? Con tim nàng xao xuyến, lẽ nào bởi vì chàng lang quân lạ lẫm này đối xử tốt với mình sao? Không nhẽ, người sáng tác nên vở kịch đây, thực sự chỉ muốn kể về việc bỏ trốn thôi à?”

Ai nấy đều ngây người nhìn nàng.

--------------

Vầng dương khuất sau áng mây, phía trước hí đài lặng ngắt như tờ.

Đất trời tối sầm, bầu không khí nặng nề bao trùm mọi người.

Đôi mắt Lương lão phu nhân ánh lên vẻ u ám, bà đột ngột cất cao giọng, trở nên gay gắt và bén nhọn: “Bên ngoài chiến tranh loạn lạc, giết người phóng hỏa cướp bóc. Thói đời hỏng bét cả, người nhà nàng ta muốn bảo vệ nàng ta, nào ngờ nàng ta thà tin tưởng một gã trai xa lạ…”

Từ Thanh Viên nói: “Không, nàng không hề tin nam tử xa lạ, cũng không tôn thờ ái tình. Ba thước khuê các, một mộng hoa tư. Tác giả vở kịch không viết vì tình yêu mà bỏ trốn, mục đích thực sự là để thoát ra tòa lâu các đã vây hãm nàng tiểu thư. Mọi người thấy đấy, trong hồi ‘Đêm xuân’, nữ lang và con hát đã tình tự dưới ánh trăng, nhưng họ nào chỉ nói đến tình, họ còn bàn về áng mây lên mặt trời lặn, luận về thế sự xoay vần, bày tỏ về quan niệm xoay quanh vạn vật.”

“Nàng tiểu thư khuê các được khắc họa trong vở kịch của tác giả kia, vốn chẳng phải một vị nữ lang bị mù quáng bởi tình yêu. Điều tác giả muốn bộc bạch, chính là nỗi áp bức của gia đình đối với nàng tiểu thư, chính là lồng giam họ đã trùm lên nàng. Nhân vật nữ chính bỏ trốn ngay giữa đêm, chẳng những để theo đuổi tình lang, mà còn để giải thoát bản thân khỏi tất thảy mọi thứ đã kìm kẹp nàng.”

Lão phu nhân đột nhiên đứng dậy, vẻ mặt phẫn nộ: “Cháu nói bậy! Cháu nói láo! Nàng ta từ bỏ gia đình chỉ vì tình yêu thôi, nàng ta vô liêm sỉ, hành vi không đúng mực. Ngoài kia đầy rẫy kẻ xấu, người nhà của nàng ta muốn che chở nàng ta, để nàng ta không chịu tổn thương gì. Tự cổ chí kim, vẫn luôn thế này... Nàng ta phải giúp phu quân, nuôi dưỡng con cái…”

Từ Thanh Viên cao giọng: “Từ xưa đến nay, chúng nữ tử bị vây hãm, chẳng phải đều như vậy sao? Tổ mẫu lên án nàng vô lễ vô sỉ, song, thứ bị giam cầm đâu phải chỉ mỗi thân thể của nàng, mà còn linh hồn, tự do, tư tưởng, thậm chí cả nhãn quan của nàng nữa!”

Giọng Từ Thanh Viên ngày càng dồn dập hơn:

“Xưa nay, tất cả mọi vở kịch trái với lẽ thường của nữ tử, tuyệt nhiên không chỉ vì ái tình. Thưa tổ mẫu, người đã từng nghe đến ‘Mẫu đơn đình’ chưa? ‘Mộng ngắn mộng dài cũng chỉ là mộng. Năm sang năm ở là năm nào đây’.” (*)

“Tổ mẫu đã bao giờ nghe tới ‘Ly hồn ký’ chăng? ‘Thấu rõ tình quân nào chẳng dễ, ngẫm rằng hy sinh để báo đáp, đành trốn chạy bằng cả sinh mạng’.” (*)

(*) Các câu đối trên hoàn toàn do mình tự ngẫm, có thể có sai sót, không đúng ý tác giả, nếu bạn nào thấy sai thì góp ý giúp mình nhé.

“Thứ họ muốn thoát ly, chính là gông cùm mà thế tục này đã áp đặt lên họ. Thứ họ đang hướng đến, chính là thế gian rộng lớn hơn dưới cái cớ của tình yêu ạ!”

Lương Khâu nhìn Từ Thanh Viên với ánh mắt sâu thẳm.

Mọi người có mặt đều kinh ngạc, họ trầm ngâm quan sát Từ Thanh Viên.

Thân thể Lương lão phu nhân run lên, đôi mắt bà đục ngầu đẫm lệ. Bà run rẩy cầm gậy, toan đánh Từ Thanh Viên, có điều lời nói cất ra lại mấp máy rời rạc:

“Châu Châu không nghĩ thế đâu, Châu Châu nhi, cháu không thể như vậy được…”

Từ Thanh Viên nhắm mắt.

--------------

Bầu trời sấm rền nổ vang, mây mù bao phủ dày đặc.

Vào khoảnh khắc chưa một ai kịp phản ứng, Lương lão phu nhân như nổi điên lao về phía Từ Thanh Viên, gương mặt bà giàn giụa nước mắt:

“Hãy rút lại tất cả mọi điều cháu vừa nói! Tổ mẫu chỉ đang cố gắng bảo vệ các cháu thôi. Các cháu chẳng hề thấu tỏ hết sự đời nông sâu. Mộ thị đã vượt qua sông Hoàng Hà, họ muốn đánh chiếm thành Trường An, thủ phủ của vương triều Nam Quốc bị thiêu ngập trong biển lửa, chỉ mỗi mình Thái tử Tiễn nhỏ bé đứng ra, y bị cô lập bốn bề, một bàn tay sao làm nên tiếng vỗ chứ…”

“Thế đạo này rất đáng sợ, cháu đừng chỉ vì nghe đến tên Thái tử Tiễn mà đã muốn ra ngoài...”

Bà giữ chặt Từ Thanh Viên, đồng thời giơ tay bóp cổ Từ Thanh Viên.

Bị bà bổ nhào một đòn như vậy, Từ Thanh Viên ngã xuống đất. Lương Khâu hét lên một tiếng “Tổ mẫu”, vội vàng đến ngăn cản. Các nữ lang tới xem kịch cũng đều chạy sang:

“Tổ mẫu, người không sao chứ…”

“Từ Thanh Viên, mau xin lỗi tổ mẫu ngay!”

Từ Thanh Viên bị lão phu nhân đè trong lòng, lại bị bà bóp cổ tới mức chẳng hô hấp nổi. Cộng thêm việc eo nàng đã bị va đập vào ban sáng khi nàng kiểm tra Lương Khâu, bấy giờ nàng còn bị lão phu nhân vẫn sung sức vây chặt, nàng bất giác cảm thấy khó thở, khắp người vô cùng đau nhức, sắc mặt nàng tái nhợt.

Giữa cơn mơ màng, nàng thoáng thấy vạt áo của Vi Phù lướt qua...

Nàng không biết có phải ảo giác hay không, dường như nàng nghe được giọng nói bình tĩnh của Yến Khuynh: “Kết án thôi.”

Kết án. Kết án.

Đương lúc mơ hồ, Từ Thanh Viên được Lương Khâu cứu khỏi vòng tay của lão phu nhân. Nàng quỳ gối một bên ho khan, rồi ngoảnh đầu nhìn lão phu nhân đang phát điên, nàng nhẹ giọng hỏi:

“Người đã chấp bút nên vở ‘Thuyết lương duyên’ này, chính là Diệp Thi.”

“Thuyết lương duyên, chẳng phải cái tên đây là ‘Khóa Lương Viên’ (*) sao?”

(*) Thuyết lương duyên: Shuō liángyuán. Khóa Lương Viên: suǒ liáng yuán.

“Diệp Thi có nhũ danh ‘Châu Châu’, đúng không ạ? Tổ mẫu gọi cháu bằng nhũ danh ‘Lộ Châu nhi’, Phùng Diệc Châu người kêu ‘Diệc Châu’, còn nhũ danh của Vệ Miểu là ‘Vũ Châu’... Người mà tổ mẫu muốn giam cầm, muốn vãn hồi, phải chăng vẫn luôn là nàng nữ lang tên Diệp Thi kia?”

--------------

(*) Ba thước khuê các, một mộng hoa tư: tụi mình xin được phép giải thích theo góc nhìn của bản thân.

(1) Ba thước khuê các: chỉ độ cao hoặc rộng của chốn khuê phòng mà các tiểu thư ở, trong ngữ cảnh này cũng còn là nơi giam hãm cả đời họ như trong vở kịch đề cập:

Hoa Tư quốc là một sự tích bên Trung, Link - chỉ cần đọc phần 3: 

www.epochtimesviet.com/tam-tu-kinh-doc-sach-luan-but-p-22-cau-chuyen-hoang-de-mong-du-hoa-tu-quoc_307268.html#Cau_chuyen_Hoang_De_mong_du_Hoa_Tu_quoc

(2) Mộng Hoa Tư: các giấc mộng lý tưởng, tốt đẹp đến mức hão huyền.

(1) + (2) => Nói về thân phận nữ giới như kịch, cả đời giam cầm trong một cõi hẹp, điều họ khát khao cũng chỉ là giấc mộng chẳng thể thành hiện thực.

Nếu tụi mình hiểu sai, các bạn hãy góp ý nhé ạ.

--------------











Bạn có muốn comment đánh giá truyện, hãy đăng nhập nhé! imglogin